Hưởng ứng ngày du lịch Việt Nam 9/7: Ða dạng hoá sản phẩm du lịch
Năm 2014, Cà Mau đón trên 917.000 lượt khách, tăng 7,83% về mặt số lượng so với trước. Trong đó có hơn 19.500 lượt khách quốc tế. Cuối năm 2015, khi đường Hồ Chí Minh thông thương từ Năm Căn về Đất Mũi, lượng khách du lịch đến với tỉnh dự kiến sẽ tăng vọt. Cùng với cơ hội này, ngành du lịch địa phương đã chuẩn bị những nền tảng nhất định, tạo nên kỳ vọng cất cánh cho du lịch Cà Mau trong những năm tới.Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau được thiên nhiên ưu ái ban tặng những tài nguyên du lịch đặc sắc với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm trên đất than bùn đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Với thiên nhiên kỳ thú đó, tỉnh đã và đang phát huy tối đa nội lực của mình, đưa Cà Mau thành nơi phát triển du lịch trọng điểm của cả nước.
Bỏ qua những yếu tố khách quan như kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất còn hạn chế, ngành du lịch Cà Mau đã có những hành động thiết thực và hiệu quả để “làm du lịch” một cách có quy hoạch và bền vững hơn. Những năm gần đây, du lịch Cà Mau có những bước tiến vượt bậc về việc đa dạng hoá sản phẩm; xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ theo tuyến du lịch; nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến có liên quan.
Nếu như trước đây Cà Mau không có nhiều điểm du lịch, ngoại trừ Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau, nơi có mốc toạ độ quốc gia – điểm cực Nam Tổ quốc. Khách du lịch đến Cà Mau thường chỉ dừng xe tại Năm Căn rồi lên ca nô xuống Ðất Mũi và về. Thì giờ đây, khi đến với mảnh đất này, khách du lịch được lựa chọn các sản phẩm khác nhau. Tiêu biểu như sản phẩm du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nơi du khách được thử cảm giác làm ngư dân chính hiệu qua các công việc như: xổ vuông, giăng lưới, sạc sò, bắt ốc len… dưới sự hướng dẫn của chính các hộ dân xã Ðất Mũi. Loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đây góp phần giữ chân khách lâu hơn, để hiểu thêm về đời sống của những ngư dân điểm đầu cực Nam Tổ quốc.
Còn đến với rừng U Minh Hạ, du khách sẽ không khỏi bất ngờ, thú vị khi được vào rừng trải nghiệm nghề gác kèo ong đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ, hoà mình vào thiên nhiên của hệ sinh thái rừng tràm thông qua các thú vui như đặt trúm, giăng câu… và thưởng thức các món ăn dân dã như lẩu mắm, rau đồng.
Ngoài các sản phẩm được tạo nên từ tự nhiên, các khu, điểm du lịch cũng được đầu tư, nâng cấp như Di tích Lịch sử hòn Ðá Bạc, Khu Du lịch Khai Long… Ðặc biệt, Khu Du lịch Sinh thái Quốc tế đã đi vào hoạt động tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tạo nên 1 điểm du lịch hấp dẫn, yên bình nằm cạnh trung tâm thành phố. Những tiền đề này đã minh chứng cho chiến lược phát triển đa dạng hoá sản phẩm của ngành du lịch Cà Mau.
Song song với việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, Cà Mau còn chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu thông qua đặc sản địa phương đến với du khách. Tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ bà con nông dân xây dựng các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như: tôm khô Rạch Gốc, cá bổi U Minh, mật ong rừng U Minh Hạ… Trong đó, nổi bật có thương hiệu RUM.CM đã được đăng ký nhãn hiệu, từng lọt vào danh sách đề cử “Sản phẩm Việt Nam được tin dùng nhất” của UBND tỉnh Cà Mau trong chương trình “Người Việt – hàng Việt” năm 2010.
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh cũng được phê duyệt xây dựng các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh bao gồm tuyến Cà Mau – U Minh – sông Trẹm, tuyến Cà Mau – Vườn Quốc gia U Minh Hạ – Ðá Bạc và tuyến Cà Mau – Cái Nước – Năm Căn – Ðất Mũi. Dọc theo các tuyến, khách du lịch có thể dừng chân và thưởng thức các đặc sản địa phương như: trái cây, khô cá bổi, dưa bồn bồn… Dự kiến khi đưa vào hoạt động, các điểm dừng chân sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao vai trò và thu nhập của cộng đồng địa phương, hướng tới phát triển du lịch một cách bền vững.
Năm 2010, Trung tâm Thông tin và Quáng bá du lịch Cà Mau được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý các khu du lịch Cà Mau, với nhiệm vụ tham mưu giúp Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện các hoạt động về công tác thông tin, quảng bá dịch vụ; quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình do Nhà nước đầu tư tại các khu, điểm du lịch được giao quản lý trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm còn có chức năng làm đầu mối để liên doanh, liên kết và kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch, lữ hành đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Sau gần 5 năm thành lập, trung tâm đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Các ấn phẩm của trung tâm phát hành phục vụ công tác thông tin du lịch như bản đồ du lịch, đĩa phim tư liệu, sách hướng dẫn và nội dung Cổng thông tin điện tử về du lịch Cà Mau camautourism.vn đã chuẩn hoá nội dung giới thiệu các điểm, khu du lịch của tỉnh, cung cấp đến nhà đầu tư và du khách những thông tin hũu ích. Ngoài ra, trung tâm thực hiện có hiệu quả các chương trình, sự kiện du lịch trong và ngoài nước, tham gia gian hàng trong các hội chợ triển lãm cấp vùng và cấp quốc gia với vai trò là nhà xúc tiến, quảng bá chuyên nghiệp cho du lịch Cà Mau.
Các hoạt động trên đã góp phần làm cho lượng khách đến Cà Mau tăng theo hằng năm: từ 760.000 lượt khách, doanh thu 192 tỷ đồng (năm 2010) lên 917.110 lượt khách, doanh thu 252 tỷ đồng vào năm 2014, trung bình mỗi năm tăng hơn 5% về số lượng và gần 8% về giá trị). Trung tâm còn chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến, làm cầu nối cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu phát triển du lịch Cà Mau. Bằng những hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể, trung tâm khuyến khích người dân địa phương tham gia sâu hơn vào hoạt động du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, đồng thời tăng thu nhập cho cộng đồng.
Ngày 19/6/2015, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Ban Quản lý khu sinh quyển, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, trong đó nhấn mạnh giá trị về lĩnh vực du lịch. Theo đó, hội thảo thống nhất kiến nghị UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh có những giải pháp hành động cụ thể nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị du lịch của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Các nhóm giải pháp bao gồm: Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường; Nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc phát triển du lịch sinh thái; Khôi phục các làng nghề truyền thống; Hỗ trợ các mô hình du lịch cộng đồng của người dân và doanh nghiệp địa phương; Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; và xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch.
Với những hành động cụ thể đó, khi đường Hồ Chí Minh về đến xã Ðất Mũi hoàn thành vào cuối năm 2015, du lịch Cà Mau đã có những nền tảng để đón tiếp và phục vụ, nâng cao sức chứa và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Thông qua đó, phát huy giá trị của ngành du lịch trong việc tạo đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
No Comment to " Hưởng ứng ngày du lịch Việt Nam 9/7: Ða dạng hoá sản phẩm du lịch "